Review: Snowpiercer (2013) – Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Quốc có Oscar | Tinh tế

Bởi tonghopsite

Những người nghèo sống ở toa sau của con tàu đều đặn tổ chức các cuộc nổi dậy lật đổ tầng lớp thượng lưu sống ở toa trước nhưng đều thất bại, trong suốt hàng chục năm cho đến khi Curtis (Chris Evans) tham gia vào cuộc nổi dậy cuối cùng (chuyện, nhân vật chính phải khác bọt chứ). Từng bước từng bước, Curtis lên được toa tàu đầu tiên, nhờ vào sự hi sinh của rất nhiều người khác, để từ đó khám phá ra bí mật khủng khiếp về cái gọi là “sự thanh lọc của xã hội”.

Dù là nơi trú ẩn cuối cùng của con người, tàu Snowpiercer vẫn là một xã hội thu nhỏ với kẻ giàu, người nghèo, có tầng lớp thượng lưu với cuộc sống sung túc, đầy đủ, xa hoa trong khi tầng lớp dưới cùng chịu cảnh đói khát, bẩn thỉu và bị coi thường. Thế giới lụi tàn, con người phải đối mặt với thảm họa diệt vong, nhưng họ vẫn đối xử tàn ác với nhau thông qua sự phân biệt giai cấp, sự thanh lọc định kì, sự đàn áp,… bởi đơn giản là “không bao giờ có công bằng trên đời”!

Hay, dở và những gì thu được

snowpiercer_2.jpg

Việc một đạo diễn châu Á làm việc chung với các tên tuổi hàng đầu Hollywood đã là một thành công rất đáng ghi nhận của Snowpiercer. Phim chứa đựng nhiều tình tiết ý nghĩa, sâu sắc, tạo suy nghĩ cho người xem, đặc biệt là bài học về hậu quả nếu không bảo vệ môi trường trái đất. Có nhiều cảnh quay ấn tượng như trường đoạn chiến đấu ác liệt khi quân “giải phóng” do Curtis đứng đầu đụng độ lực lượng bảo vệ của tàu, hay khi Curtis lướt qua từng toa tàu và há hốc mồm trước những thứ xa hoa tuyệt đẹp mà anh chưa từng thấy trong đời.

Bộ phim có khởi đầu hấp dẫn, cuốn người xem, nhưng đáng tiếc càng về sau càng đuối, một điểm đặc trưng của các đạo diễn châu Á. Không chỉ Bong mà nhiều đạo diễn châu Á từ Nhật, Iran, Ấn Độ đến Thái Lan, mình xem nhiều phim của họ và đều thấy như vậy. Họ vội vã tung ra tất cả tinh hoa cho nửa đầu bộ phim, sau đó kết thúc phim một cách chóng vánh và đôi khi làm khán giả sửng sốt vì chẳng hiểu sao… phim đã hết. Cứ xem thử “Tình người duyên ma”, “Ba chàng ngốc” hay “The Wind Rises”, những cái tên đình đám của điện ảnh Châu Á xem có đúng không nhé!

Ngoài điểm yếu đuối về cuối, bộ phim này còn bị sa đà vào việc “sử dụng ngôn ngữ thay cho hình ảnh” vốn cũng gặp nhiều ở điện ảnh Hollywood, nhất là các bộ phim hành động. Trong Snowpiercer, khi Curtis càng đến gần phía đầu tàu hơn, các cảnh hành động càng ít dần đi, thay vào đó là các nhân vật thi nhau… kể chuyện. Đỉnh điểm là khi Curtis gặp “trùm cuối” Wilford, thay vì chiến đấu mãn nhãn, người xem lại phải ngồi nghe ông này thuyết giảng về lịch sử và đạo lý. Với mình, việc đạo diễn để cho một nhân vật kể lể quá nhiều thay vì dùng hình ảnh là rất không hợp nhãn. Điện ảnh thì phải kể chuyện bằng hình ảnh, nếu không khán giả thà… đọc kịch bản và tưởng tượng cho nhanh, có khi còn hay hơn xem phim là đằng khác.

snowpiercer-curtis-wilford.jpg

Tuy nhiên, từ những thiếu sót của Snowpiercer, có lẽ Bong Joon Ho đã rút ra được những bài học và từ đó tạo ra một Parasite “chất như nước cất”. Trong Parasite, càng xem chúng ta càng bị cuốn vào câu chuyện, và kịch tính đỉnh cao đến cuối phim mới xuất hiện, không hề bị đuối. Cũng không có cảnh kể lể nào trong phim, tất cả đều được thể hiện bằng hành động của các nhân vật, hình ảnh của các cảnh quay,…

Việc xem nhiều phim của cùng một đạo diễn từ cũ tới mới và tìm ra sự thay đổi, nâng tầm trong cách làm phim của họ là sở thích của mình. Từ Snowpiercer đến Parasite là một ví dụ điển hình về sự trưởng thành của một người đạo diễn, và đó là lý do vì sao mình viết bài này để chia sẻ với anh em. Ai có sở thích giống mình hay có ý kiến nào thì cứ comment cho xôm tụ nhé. Cảm ơn tất cả các bạn!

You may also like

Để lại bình luận